Tiếng Latin từng được sử dụng trên khắp Đế quốc La Mã. Nhưng hiện nay, không còn quốc gia nào chính thức sử dụng thứ ngôn ngữ này nữa, chí ít là ở dạng cổ điển của nó. Như vậy, có phải tiếng Latin đã thực sự biến mất cùng với sự diệt vong của Đế chế La Mã - từng là thế lực hùng mạnh nhất thế giới?
Sau khi không ngừng bành trướng lãnh thổ và đạt tới đỉnh cao dưới triều đại Trajan (98–117), Rome bắt đầu lâm vào bất ổn và suy tàn. Ảnh hưởng của nó với các vùng đã chiếm đóng được (thuộc địa) dần bị thu hẹp trước khi hoàn toàn mất kiểm soát. Mặc dù vậy, tiếng Latin vẫn giữ được vị thế là ngôn ngữ chung trên khắp châu Âu sau hàng trăm năm. Đối với câu hỏi: Khi nào thì tiếng Latin biến mất?, câu trả lời là khá phức tạp. Biên niên sử không ghi rõ thời điểm lụi tàn của tiếng Latin, ngôn ngữ được nói phổ biến nhất thời bấy giờ, và một số người còn cho nó chưa bao giờ thực sự “chết”.
Tượng hoàng đế La Mã Antoninus Pius ở Hesse, Đức. Ảnh: Martin Moxter/Getty Images.
Người dân Vatican vẫn có thể truyền tải một số thông điệp bằng tiếng Latin. Nhưng tại Ý, hầu như không còn ai còn sử dụng tiếng Latin hằng ngày. Nhưng điều không có nghĩa là ngôn ngữ này đã “chết” – Tiến sỹ Tim Pulju, giảng viên cấp cao về ngôn ngữ học và kinh điển Hi-La tại Đại học Dartmouth, New Hampshire, khẳng định. Ông nói: “Tiếng Latin không hẳn là không còn được sử dụng. Nó vẫn hiện diện một cách tự nhiên ở Ý, vùng Gaul1, Tây Ban Nha và những khu vực khác, tuy nhiên giống như tất cả các ngôn ngữ đương đại, nó đã tiến hóa theo thời gian”.
Tiếng Latin trên thực tế đã biến đổi theo từng khu vực địa lý thuộc Đế chế La Mã cổ đại; những khác biệt này càng lớn qua thời gian và tạo nên những ngôn ngữ hoàn toàn mới song vẫn liên hệ chặt chẽ với nhau. TS. Pulju lập luận: “Những thay đổi đó được tích lũy qua hàng thế kỷ, để rồi cuối cùng tiếng Latin phát triển thành nhiều ngôn ngữ khác nhau và cũng khác hẳn tiếng Latin cổ. Đó là các ngôn ngữ thuộc hệ Roman, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Rumani và tiếng Tây Ban Nha ngày nay”.
Luận thuyết của Newton về Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (tạm dịch: Các Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên) xuất bản năm 1687 được viết bằng tiếng Latin.
Ảnh: Wikipedia.
Đây là sự tiến hóa xảy ra với mọi ngôn ngữ, chẳng hạn: tiếng Anh. TS. Pulju lý giải: “Tiếng Anh đã được sử dụng trên vùng đất thuộc Vương quốc Anh trong suốt hơn một thiên niên kỷ, nhưng nó cũng biến đổi nhiều theo thời gian. Đó là điều hiển nhiên. Nếu so sánh tiếng Anh hiện đại với tiếng Anh thời Elizabeth - như trong các tác phẩm của Shakespeare, ... chúng ta hầu như vẫn có thể hiểu được những nội dung được sáng tác từ khoảng bốn thế kỷ trước. Tuy nhiên, tiếng Anh trong thơ của Chaucer (thế kỷ XIV) thì khó hiểu hơn rất nhiều. Và tiếng Anh trong trường ca Beowulf (khoảng 1000 năm trước) thì lại càng khác biệt”. Nhưng không một ai dám nói tiếng Anh là ngôn ngữ đã chết, nó đơn giản chỉ biến đổi chậm rãi trong suốt một thời gian dài.
Điểm khác biệt duy nhất giữa tiếng Anh và tiếng Latin là tiếng Anh cổ đã tiến hóa thành tiếng Anh hiện đại nhưng vẫn giữ được tên gọi, trong khi tiếng Latin cổ thì trở nên quá đa dạng dưới hình thức của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó là lý do tại sao không ít người có một suy nghĩ (sai lầm) rằng tiếng Latin là ngôn ngữ đã chết.
Sau khi phát triển đến đỉnh cao và không ngừng mở rộng lãnh thổ, Đế chế La Mã bắt đầu khủng hoảng và lụi tàn.
Ảnh: History.com
Trên thực tế, không ít ngôn ngữ của thế giới đã biến mất. Nguyên nhân là do không còn người bản ngữ, hoặc bởi những thứ tiếng đó đã biến đổi quá nhiều đến mức không còn ai thông thạo ngôn ngữ gốc ban đầu. Đó là điều đã xảy ra với tiếng Etruscan - ngôn ngữ bản địa ở vùng Tuscany, nước Ý ngày nay. “Sau khi Etruria bị người La Mã chinh phục, các thế hệ người Etrusca mặc dù vẫn tiếp tục nói tiếng Etruscan trong hàng trăm năm, nhưng một số đã học tiếng Latin làm ngôn ngữ thứ hai một cách tự nhiên. Nhiều trẻ em theo đó đã lớn lên và thông thạo cả hai thứ tiếng”, TS. Pulju nói. “Cuối cùng, lợi thế xã hội từ việc nói tiếng Latin và tư cách công dân Roman đã vượt hơn tiếng Etruscan và niềm tự hào là người Etrusca. Vì thế, trải qua nhiều thế hệ, ngày càng ít trẻ em Etruscan học tiếng của tổ tiên. Kết quả là ngôn ngữ này cuối cùng đã hoàn toàn biến mất.”
Ngôn ngữ “chết” không phải là một hiện tượng cổ xưa. Tiến sĩ Pulju lý giải: “Nó đã và đang xảy ra với các ngôn ngữ bản địa ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Trung Đông là một điểm nóng khi ngày càng nhiều ngôn ngữ cổ xưa đang dần biến mất. Nguyên nhân là do sự kỳ thị xã hội nhắm vào việc sử dụng những ngôn ngữ không chính thống - không được dạy trong trường học, bên cạnh tư tưởng thanh lọc sắc tộc bằng các biện pháp mạnh, bao gồm cả bạo lực để chống lại những nhóm thiểu số”. Theo ước tính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), ít nhất một nửa trong số 7.000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới sẽ biến mất trước khi kết thúc thế kỷ XXI.
Nhưng tiếng Latin có “chết” không? Câu trả lời là không. Ngôn ngữ này chưa bao giờ biến mất, nó chỉ đơn giản là đã phát triển thành những ngôn ngữ mới mà thôi.
Chú thích
1. Vùng Gaul hay Gallia là khu vực thuộc Tây Âu trong thời kỳ đồ sắt và La Mã, bao gồm Pháp, Luxembourg và Bỉ, phần lớn Thụy Sĩ, Tây Bắc Ý, cũng như một phần của Hà Lan và Đức ở bờ trái sông Rhine ngày nay.